Hướng dẫn thủ tục lập dự án đầu tư xây dựng bệnh viên đa khoa chuyên sâu của Công ty cổ phần bệnh viện Xuyên Á (13/05/2021)

Sở Xây dựng nhận được văn bản số 106/2021/CV-BVXA, ngày 20/4/2021 của Công ty cổ phần bệnh viện Xuyên Á về việc thực hiện dự án theo chấp thuận chủ trương đầu tư số 1658 của UBND tỉnh Đắk Nông ngày 09/4/2021.

Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với các quy định pháp luật có liên quan, Sở Xây dựng hướng dẫn thủ tục lập dự án đầu tư xây dựng bệnh viên đa khoa chuyên sâu của Công ty cổ phần bệnh viện Xuyên Á với nội dung như sau:

1. Lập Quy hoạch chi tiết 1/500:

Dự án có quy mô sử dụng đất là 5,53ha thuộc đối tượng phải lập quy hoạch chi tiết theo quy định tại Khoản 4, Điều 14 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

2. Về việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.

- Sau khi có chủ trương, chủ đầu tư tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (dự án đầu tư) theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, đồng thời dự án đầu tư phải phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh (nội dung dự án theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP).

Trong quá trình lập dự án, chủ đầu tư đồng thời tuân thủ các pháp luật liên quan như Luật PCCC, Luật bảo vệ môi trường,…: Văn bản thỏa thuận cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, đấu nối giao thông, các văn bản thỏa thuận về kết nối hạ tầng khác (nếu có); văn bản thẩm duyệt hoặc ý kiến về giải pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy;... (chi tiết tại Khoản 5, Điều 12 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP)

- Thẩm định dự án:

+ Thẩm định dự án của người quyết định đầu tư: Người quyết định đầu tư giao cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung của dự án khi không có cơ quan chuyên môn trực thuộc làm cơ quan chủ trì thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (chi tiết tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP). Nội dung thẩm định theo Điều 57 được sửa đổi, bổ sung tại Luật Xây dựng sửa đổi 62/2020/QH14.

+ Thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng (Bộ Xây dựng): Thẩm định dự án theo thẩm quyền quy định tại Khoản 4, Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Nội dung thẩm định theo Điều 58 được sửa đổi, bổ sung tại Luật Xây dựng sửa đổi 62/2020/QH14.

- Phê duyệt dự án: Sau khi có kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và kết quả thẩm định của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư tổng hợp và trình người quyết định đầu tư phê duyệt dự án (trường hợp người quyết định đầu tư đồng thời là chủ đầu tư thì chủ đầu tư phê duyệt).

3. Thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở

- Sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư tổ chức lập thiết kế sau thiết kế cơ sở, dự toán (nếu có) trên cơ sở thiết kế cơ sở của dự án được duyệt.

- Thẩm tra thiết kế: Chủ đầu tư thuê đơn vị tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình, sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho việc thẩm định.

- Thẩm định thiết kế:

+ Thẩm định của chủ đầu tư: Chủ đầu tư tổ chức thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định (trong trường hợp người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định) theo quy định tại Điều 82 và Điều 83 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24 và khoản 25 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 (chi tiết tại Khoản 1, Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP).

+ Thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng (Bộ Xây dựng): Chỉ thẩm định công trình thuộc dự án được xây dựng tại khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

- Phê duyệt thiết kế: Chủ đầu tư phê duyệt hoặc ủy quyền cho Ban quản lý dự án trực thuộc phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.

Lưu ý: Công trình xây dựng có yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho ý kiến hoặc thẩm duyệt theo quy định của pháp luật có liên quan trước khi kết luận thẩm định.

4. Cấp giấy phép xây dựng:

Theo quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 89 thuộc Khoản 30, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, ngày 17/6/2020: “Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này” thì được miễn giấy phép xây dựng, tuy nhiên hiện nay chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể đối với quy định trên.

Do đó, trường hợp dự án đã được Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng (thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế kỹ thuật) thì được miễn cấp giấy phép xây dựng; trường hợp chủ đầu tư tự thẩm định thẩm định thiết kế xây dựng (thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế kỹ thuật) thì trình Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

5. Về kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng

Ngay sau khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư có báo cáo thông tin công trình theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng gửi Bộ Xây dựng và cơ quan chuyên môn xây dựng tại địa phương (Sở Xây dựng) để thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu.

Thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu thuộc Bộ Xây dựng.

Sở Xây dựng có ý kiến như trên để Công ty cổ phần bệnh viện Xuyên Á được biết và triển khai thực hiện.

Phòng QHKT&PTĐT

Lượt xem:  890 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Liên kết web