Cải thiện môi trường kinh doanh
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, một cửa, một cửa liên thông của 4 tháng đầu năm 2019 do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã sửa đổi 9 văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành, giảm hơn 12.000 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, nhiều mặt hàng chuyển sang hậu kiểm. Ngoài ra, bộ phận một cửa được triển khai đã tạo ra sự minh bạch, hiệu quả, giảm chi phí thời gian cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện cho người dân không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Mục tiêu là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nên đến nay 100% văn phòng bộ, địa phương đã tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Rất nhiều địa phương đã nâng cấp cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh. Về nội bộ, các bộ ngành, địa phương đã rà soát, phê duyệt phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo thuộc phạm vi thẩm quyền trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Thế nhưng, theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Riêng chế độ báo cáo thông tin đã chưa nghiêm, còn chậm trễ. Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trước ngày 20-5-2019 phải hoàn thành việc công bố, công khai đăng ký kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành sau cắt giảm trên tinh thần đúng hạn và thực chất, không bị phát sinh thêm điều kiện. Các bộ ngành, địa phương phải chủ động ban hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra đối với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể như phải thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ban hành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở thiết lập quy trình điện tử trên hệ thống thông tin một cửa điện tử.
Tiết kiệm cho cơ quan quản lý
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã mang lại nhiều lợi ích cho nhà nước. Cụ thể, năm 2017 Việt Nam đã tiết kiệm 4.000 tỷ đồng và năm 2018 tiết kiệm 6.300 tỷ đồng.
Điển hình ở Bộ Tài chính, riêng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bản đã giúp bộ này tiết kiệm rất nhiều. Cụ thể, hàng năm lượng văn bản gửi đến cơ quan bộ khoảng 358.000 văn bản, trung bình một văn bản dài 5 trang và cần phải chuyển đến 2 đơn vị phối hợp, thì khi áp dụng hình thức văn bản điện tử, mỗi năm cơ quan Bộ Tài chính tiết kiệm được 3.586.000 trang giấy.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn triển khai Chương trình quản lý văn bản và điều hành (eDocTC) tại tất cả các đơn vị trực thuộc. 100% văn bản giấy gửi đến bộ được cập nhật quét thành văn bản điện tử, luân chuyển tới các đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và lưu trữ trên chương trình eDocTC. Tất cả văn bản chuyển đi của bộ cũng thế, được cấp số, quét và ký số, lưu trữ và phát hành điện tử gửi tới các đơn vị qua eDocTC... Sau hơn 3 năm khai thác và sử dụng, số lượng văn bản điện tử được lưu trữ, quản lý trên eDocTC là hơn 1,6 triệu văn bản. Ngay cả lịch công tác của lãnh đạo, hoạt động điều động sử dụng ô tô, phòng họp... cũng được cập nhật và công khai trên eDocTC. Điều này giúp công khai, minh bạch trong quản lý hành chính.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã đưa vào sử dụng Hệ thống tích hợp trao đổi văn bản điện tử ngành tài chính (eDocHub), kết nối việc gửi nhận văn bản đến - văn bản đi giữa chương trình quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tài chính với các tổng cục và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Hệ thống này đã được kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia, thực hiện gửi - nhận văn bản với 95 đầu mối cấp trung ương và ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp giảm thời gian lưu chuyển giữa các đơn vị, chỉ mất chưa đầy 5 phút cho một lần chuyển.