Tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (05/04/2022)
Ngày 01/4/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Trong thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng của Ủy ban nhân dân các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng tăng lên, chất lượng đồ án quy hoạch được cải thiện và đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh; tình hình trật tự xây dựng cơ bản đi vào nề nếp, …thu hút được các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, từng bước khẳng định vai trò động lực của đô thị trong phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù vậy, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: tình trạng san ủi mặt bằng, việc thực hiện phân lô do các hộ gia đình tự ý mở đường giao thông phân lô bán nền gây bất ổn thị trường bất động sản, làm ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, không phù hợp với quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung, quy hoạch nông thôn mới) đã được phê duyệt, làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai tại các địa phương, sự phối hợp trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng giữa các cơ quan chuyên môn, giữa các cấp, các ngành chưa tốt, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền theo quy định pháp luật…

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, đồng thời chấn chỉnh, tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Gia Nghĩa (gọi tắt là UBND cấp huyện)

a) Tổ chức rà soát, điều chỉnh kịp thời các quy hoạch không khả thi; đẩy mạnh công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị làm cơ sở cho việc quản lý phát triển đô thị và quản lý trật tự xây dựng và giám sát thực hiện theo quy hoạch.

b) Tăng cường công tác giám sát, tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng có dấu hiệu lấn chiếm đất công, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang an toàn giao thông, hành lang an toàn lưới điện, hành lang an toàn bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện... (lập hồ sơ từng tổ chức, cá nhân), thực hiện nghiêm công tác tuyên truyền, vận động kết hợp xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

c) Khẩn trương ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương; thường xuyên kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, đảm bảo mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện sớm và xử lý triệt để; tổ chức thực hiện nghiêm việc cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm theo quyết định cưỡng chế.

d) Khẩn trương rà soát lại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đã có hiệu lực pháp luật được ban hành theo thẩm quyền nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

e) Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn mình quản lý (kể cả công trình do các sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức thẩm định, cấp phép). Khi phát hiện hành vi vi phạm phải xử lý kịp thời, nếu vượt thẩm quyền thì phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; chỉ đạo kiểm tra và làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm đối với người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn trực thuộc, Chủ tịch UBND cấp xã khi để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, không kịp thời và kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định.

f) UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình trật tự xây dựng và chịu trách nhiệm về vi phạm quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng; đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, xử lý cán bộ, công chức có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm.

g) Tổ chức lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh về quy định phân cấp lập, thẩm định và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

2. Sở Xây dựng

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị… ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công khai, cung cấp, tra cứu thông tin về quy hoạch xây dựng, dự án phát triển đô thị, nhà ở… qua các thiết bị di động, mạng internet nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin về quy hoạch xây dựng.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện một số nội dung sau:

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, công tác quản lý trật tự xây dựng và công tác quản lý về điều kiện năng lực đối với các doanh nghiệp tham gia tư vấn xây dựng trên địa bàn tỉnh; làm tốt công tác công bố công khai quy hoạch, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện quy hoạch.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các công trình thi công xây dựng không đảm bảo quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường...; kiến nghị UBND tỉnh xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân được phân công quản lý trật tự xây dựng nhưng buông lỏng trong quản lý, không phát hiện hoặc không xử lý vi phạm triệt để.

c) Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định Quy chế phối hợp hoạt động giữa Thanh tra Sở Xây dựng, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

3. Các Sở, ban, ngành có liên quan

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý việc phân lô, tách thửa, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

- Tăng cường tổ chức kiểm tra việc san lấp, phân lô, tách thửa, xây dựng công trình, nhà ở không đúng mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

b) Công an tỉnh

- Chỉ đạo các đơn vị, Công an các huyện, thành phố Gia Nghĩa phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực thi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế, phá dỡ đối với các công trình vi phạm các quy định của pháp luật.

- Rà soát, xác minh, xử lý theo quy định đối với các trường hợp có dấu hiệu phân lô bán nền, lấn chiếm đất công, chuyển nhượng đất trái phép theo đúng quy định pháp luật.

4. Tổ chức thực hiện

a) Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư xây dựng và các nội dung Chỉ thị này.

b) Giao Giám đốc Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các cấp, các ngành liên quan phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

Văn phòng

Lượt xem:  244 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 2 1 2
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web