Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (07/02/2023)
Ngày 19/01/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND về việc thực hiện chương trình hành động số 51-Ctr/TU ngày 16/12/2022 của Tỉnh ủy Đăk Nông về việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo đó, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo 

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp trong sự điều hành và huy động sự tham gia của hệ thống chính trị đối với công tác đảm bảm an ninh, an toàn thực phẩm; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. 

Xây dựng kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, từng tổ chức. Người đứng đầu các Sở, Ban, ngành và chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân cấp quản lý công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. 

2. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền 

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp, các cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là hoạt động thông tin trên hệ thống báo chí - truyền thông, mạng xã hội và các hoạt động cổ động trực quan. 

Chú trọng các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong các đợt cao điểm, gắn với tuyên truyền các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tầng lớp Nhân dân về vai trò của việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, bảo vệ giống nòi và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Kịp thời tuyên truyền, phản ánh, lên án đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm và các vụ việc, sự kiện khác về an toàn thực phẩm được dư luận và Nhân dân quan tâm. 

3. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành và các huyện, thành phố 

Cụ thể hóa và thực hiện tốt cơ chế, chính sách hiện có của Trung ương liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Chú trọng nghiên cứu xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất, chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. 

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phân cấp, phân công, phối hợp trong công tác quản lý, giám sát vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời xử lý dứt điểm các điểm nóng về an ninh, an toàn thực phẩm được dư luận xã hội, người tiêu dùng quan tâm, phản ánh trên địa bàn; áp dụng các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc lạm dụng sử dụng chất cấm, kháng sinh, hoá chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tăng cường năng lực kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc thực phẩm. 

Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và đơn giản hóa thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm. 

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn. Tiếp tục nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. 

4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất các cơ sở thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả, trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã; tuyên truyền, tạo dư luận xã hội để người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác an ninh, an toàn thực phẩm và công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; có chính sách thoả đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. 

5. Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn 

Khuyến khích, xã hội hóa việc đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; hỗ trợ, tạo điều kiện các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chính sách để xây dựng chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm, chuỗi giá trị cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Tập trung xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng thông qua công cụ quản lý kiểm soát an toàn thực phẩm từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được kiểm soát theo từng công đoạn sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững. 

Từng bước hình thành mạng lưới logistic, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. 

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn. 

6. Bố trí, đảm bảo nguồn lực cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm 

Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại địa phương đảm bảo trách nhiệm, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong 

tình hình mới. 

Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an an ninh, an toàn thực phẩm; có chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ này. 

Đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết nhằm đáp ứng tốt hơn công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là trang thiết bị hiện đại. Bố trí hợp lý, kịp thời về kinh phí hàng năm cho công tác quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời, vận động, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa từ cộng đồng cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. 

7. Phối hợp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội 

Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của các đơn vị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí - truyền thông và cộng đồng về vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm tới đoàn viên, hội viên và người dân. 

Xem nội dung chi tiết tại đây:
 

 

Thanh Thảo - Văn phòng Sở

Lượt xem:  145 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 16 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web