Phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định PCCC trong đầu tư xây dựng công trình (11/07/2023)
Ngày 11/07/2023, Sở Xây dựng đã ban hành Công văn số 1239/SXD-CLCT gửi: Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; UBND các huyện, TP Gia Nghĩa; Công an tỉnh Đắk Nông; Ban quản lý các dự án đầu tư tỉnh Đắk Nông về việc phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định PCCC trong đầu tư xây dựng công trình

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2862/UBND-KT ngày 25/5/2023 của UBND tỉnh v/v rà soát, xử lý các vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Sau khi nghiên cứu Báo cáo số 103/BC-BXD ngày 10/5/2023 của Bộ Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo dỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy; Thông báo số 180/TB-VPCP ngày 17/5/2023 kết luận của Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về PCCC trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản; Công văn số 846/CAT-PC07 ngày 11/5/2023 v/v rà soát xử lý đối với các công trình không đảm bảo an toàn PCCC. Sở Xây dựng phổ biến, hướng dẫn UBND các huyện, TP Gia Nghĩa và các chủ đầu tư thực hiện việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng công trình như sau:

1. Hệ thống pháp luật liên quan đến PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình.

Luật PCCC số 27/2021/QH10, được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 40/2013/QH13;Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 40/2019/QH14 và Luật số 62/2020/QH14;

Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ  quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;

Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường;

Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Khi triển khai việc đầu tư xây dựng công trình, đề nghị các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu, tuân thủ đầy đủ pháp luật về xây dựng và pháp luật về phòng cháy, chữa cháy nêu trên. Trong đó tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định rất chi tiết về điều kiện, năng lực của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tư vấn thiết kế PCCC, danh mục loại dự án, công trình xây dựng theo quy định phải lấy ý kiến góp ý về giải pháp PCCC tại bước lập dự án đầu tư, danh mục loại dự án, công trình xây dựng thuộc đối tượng trình cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế PCCC triển khai sau thiết kế cơ sở, thẩm quyền nghiệm thu về PCCC trước khi tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng.

2. Về việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong việc lập, thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng công trình và kiểm tra công tác nghiệm thu.

Theo báo cáo thống kê của Bộ Xây dựng (Báo cáo số 103/BC-BXD) hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy, chữa cháy hiện hành thường có hệ thống tiêu chuẩn thường sử dụng và các tiêu chuẩn ít được sử dụng do các Bộ ban hành như: Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ khoa học và công nghệ, Bộ Công thương, gồm có: 09 quy chuẩn, 25 tiêu chuẩn về nhà ở và công trình và 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị PCCC.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng nhiều và phổ biến nhất: Quy chuẩn 06:2022/BXD quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình, QCVN 02:2020/BCA trạm bơm nước chữa cháy, QCVN 03:2021/BCA phương tiện về phòng cháy và chữa cháy, TCVN 3890:2022 về trang bị và bố trí phương tiện PCCC cho nhà và công tình, TCVN 2622:1995 về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - yêu cầu thiết kế, TCVN 5687:2010 về thông gió - điều hòa không khí - Tiêu chuẩn thiết kế, TCVN 7336:2021 - yêu cầu đối với việc thiết kế, lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, bọt cho nhà và công trình, TCVN 5738:2021 về Hệ thống báo cháy tự động – yêu cầu kỹ thuật và một số tiêu chuẩn quốc gia khác (xem phụ lục thống kê tại Báo cáo số 103/BC-BXD).

 

2.1. Nguyên tắc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm chuyển tiếp

- Đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phiên bản trước thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh về PCCC không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới.

- Đối với công trình đã thực hiện chỉnh sửa thiết kế PCCC theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH theo phiên bản quy chuẩn trước thì tiếp tục được áp dụng theo phiên bản quy chuẩn đó. Khuyến khích áp dụng phiên bản QCVN 06 hiện hành.

- Công trình đã được thẩm duyệt theo QCVN 06, TCVN 3890, TCVN 7336, TCVN 5738 phiên bản trước, nay thẩm duyệt điều chỉnh hoặc cải tạo mà thiết kế điều chỉnh, cải tạo không làm thay đổi quy mô, công năng chính của nhà thì cho phép lựa chọn áp dụng phiên bản QCVN 06, TCVN 3890, TCVN 7336, TCVN 5738 tại thời điểm cấp giấy thẩm duyệt để thẩm duyệt điều chỉnh mà không phải sử dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới để không làm thay đổi giải pháp an toàn cháy tổng thể của công trình, ngoại trừ các trường hợp chuyển tiếp đã được quy định cụ thể trong từng quy chuẩn, tiêu chuẩn.

- Trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thiết kế đề xuất áp dụng một số quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn mới ban hành có yêu cầu thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trước đây thì có thể nghiên cứu để thẩm duyệt theo nội dung của quy chuẩn, tiêu chuẩn mới.

2.2. Nghiệm thu từng phần

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng phù hợp với tiến độ, giai đoạn đầu tư, chủ đầu tư có thể tổ chức nghiệm thu từng phần công trình theo quy định tại khoản 1, Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP theo nguyên tắc hạng mục công trình nghiệm thu phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo nội dung đã được thẩm duyệt thiết kế và có thể hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các hạng mục công trình đang tiếp tục thi công, đảm bảo trên cơ sở phù hợp với quy định về nghiệm thu hạng mục công trình theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

3. Quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các bộ chuyên ngành và Sở Xây dựng trong lĩnh vực PCCC.

Trách nhiệm của Bộ Xây dựng:

Quy hoạch (quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị), rà soát điều chỉnh các quy hoạch phải gắn với quy hoạch hạ tầng về PCCC.

Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố có liên quan đến PCCC trong xây dựng công trình.

Bộ Xây dựng và các cơ quan ngành dọc, các Sở Xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý, thẩm quyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo, bồi dưỡng về PCCC. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và các Sở Xây dựng địa phương chỉ căn cứ trên văn bản góp ý/thẩm duyệt về PCCC đề tiến hành thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và căn cứ trên biên bản nhiệm thu về PCCC để kiểm tra nghiệm thu các công trình xây dựng (từ năm 2013 đến nay).

4. Về xử lý cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC theo Điều 63a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

Theo ý kiến của Công an tỉnh tại Công văn số 846/CAT-PC07 ngày 11/5/2023 v/v rà soát xử lý đối với các công trình không đảm bảo an toàn PCCC.

Trên địa bàn tỉnh không có cơ ở nào chưa đảm bảo an toàn PCCC do đó không thực hiện xử lý theo quy định tại Điều 63a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

5. Kiến nghị

Để đảm bảo việc thực hiện quy định của Luật PCCC theo quan điểm có tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn về PCCC, Sở Xây dựng thống nhất với quan điểm, kiến nghị của Bộ Xây dựng với Thủ tướng chính phủ tại Báo cáo số 103/BC-BXD. Đề nghị Công an tỉnh khi tham gia góp ý, kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về PCCC phải đảm bảo nguyên tắc áp dụng các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực PCCC là không hồi tố, không bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành đối với các công trình trước đó, để đảm bảo sự chuyển tiếp ổn định và thống nhất trên cả nước.

Đề nghị Công an tỉnh tăng cường công  tác tuyên truyền, phổ biến tập huấn, hướng dẫn quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC đến các cơ sở, tổ chức và nhân dân để nắm bắt kịp thời và thực hiện đầy đủ quy định. Tiếp tục nắm bắt những khó khăn vướng mắc của tổ chức, người dân trong thực tiễn thực hiện quy định PCCC để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục.

Sở Xây dựng phổ biến, hướng dẫn UBND các huyện, TP Gia Nghĩa và các chủ đầu tư thực hiện việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng công trình như trên, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị tổ chức, cá nhân phản ảnh về Sở Xây dựng, Công an tỉnh để hướng dẫn thực hiện.

 

Phòng QLCLCT

Lượt xem:  281 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 10 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web