Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng -an ninh của tỉnh trong 20 năm. (15/09/2023)
Ngày 14/9/2023, Sở Xây dựng đã ban hành Công văn số 1760/SXD-KT&QLHĐXD gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư về việc báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng -an ninh của tỉnh trong 20 năm.

 

Thực hiện Công văn số 1770/SKH-THQH ngày 16/8/2023 của Sở Kế hoạch và Đầu Tư tỉnh Đắk Nông, V/v Báo cáo Tổng kết, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong 20 năm qua. Sau khi nghiên cứu nội dung công văn và các văn bản có liên quan, Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh liên quan đến Sở Xây dựng trong 20 năm qua như sau:

I. TỔNG KẾT NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU 20 NĂM QUA:

1. Kết quả đạt được các chỉ tiêu của Sở Xây dựng được giao (Tỷ lệ đô thị hóa; Tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch; Bình quân m2 sàn xây dựng nhà ở tính trên một người dân) cụ thể như sau:

1.1. Về Tỷ lệ đô thị hóa (từ năm 2004-2024):

* Giai đoạn 2004-2010:

Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 chia tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Khi tách ra, tỉnh Đắk Nông có 6 đơn vị hành chính gồm 6 huyện: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Nông, Đắk R'lấp, Đắk Song, Krông Nô. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Gia Nghĩa, huyện Đắk Nông.

Ngày 27 tháng 6 năm 2005, chia tách huyện Đắk Nông thành thị xã Gia Nghĩa (thị xã Gia Nghĩa là tỉnh lị tỉnh Đắk Nông) và huyện Đắk Glong.

Ngày 22 tháng 11 năm 2006, chia tách huyện Đắk R'lấp thành 2 huyện: Đắk R'lấp và Tuy Đức.

- Về hệ thống đô thị: Đã hình thành được 6 đô thị loại V (thị xã Gia Nghĩa; thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút; thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil; thị trấn Đức An, huyện Đắk Song; thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô và thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp).

- Về chất lượng đô thị: Qua thời gian mới tách tỉnh, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, tuy nhiên tỉnh đã có nhiều cố gắng để đầu tư xây dựng cơ sở hạng tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng tỷ lệ đô thị hóa từ lúc chia tách tỉnh khoảng 7% đến năm 2010 đạt 10%.

* Giai đoạn năm 2011-2015 (theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 17/11/2011 của Tỉnh ủy Đắk Nông về việc phát triển đô thị tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030). Đến năm 2015 phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa là 20%:

- Về hệ thống đô thị:

+ Đô thị trung tâm tỉnh lỵ: Thị xã Gia Nghĩa, đô thị loại III.

+ Đô thị trung tâm huyện lỵ: Thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút; thị trấn Đức An, huyện Đắk Song; thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô là đô thị loại V. Thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp; thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil là đô thị loại IV.

+ Xã trung tâm huyện lỵ: Xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức (đang lập đề án nâng loại đô thị); xã Quảng Khê, huyện Quảng Khê đã được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại V, đang triển khai các thủ tục thành lập thị trấn..

- Về chất lượng đô thị: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 16,3% (chưa đạt so với kế hoạch đề ra). Tỷ lệ đô thị hóa trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế nguyên nhân chủ yếu là do các vùng trung tâm huyện mới thành lập chưa là đô thị, các thị trấn đã phát triển mạnh nhưng chưa được điều chỉnh ranh giới cho phù hợp; nguyên nhân khách quan là do sự tăng trưởng dân số ở vùng nông thôn quá lớn (di cư tự do) làm giảm tỷ lệ dân số đô thị so với dân số toàn tỉnh.

* Giai đoạn 2016-2020 (theo Nghị quyết số 22/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 tỉnh Đắk Nông): Tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%.

- Về hệ thống đô thị: Có 9 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III (thành phố Gia Nghĩa); 03 đô thị loại IV (thị trấn Ea T’ling, thị trấn Đắk Mil và thị trấn Kiến Đức); 05 đô thị loại V (thị trấn Đắk Mâm; thị trấn Đức An; xã Nam Dong; xã Quảng Khê và xã Đắk Búk So).

- Về chất lượng đô thị: Tỷ lệ đô thị hóa: 28%, chưa đạt theo kế hoạch đề ra.

* Giai đoạn 2021-2025 (thực hiện theo Nghị quyết 110/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 tỉnh Đắk Nông): Đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 33%.

- Năm 2021-2023: Về hệ thống đô thị, có 9 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại III (thành phố Gia Nghĩa); 03 đô thị loại IV (thị trấn Ea T’ling, thị trấn Đắk Mil và thị trấn Kiến Đức); 05 đô thị loại V (thị trấn Đắk Mâm; thị trấn Đức An; xã Nam Dong; xã Quảng Khê và xã Đắk Búk So). Về chất lượng đô thị: Tỷ lệ đô thị hóa: trên 28%; 

- Dự kiến năm 2024 tỷ lệ đô thị hóa đạt 31%; đến năm 2025 sẽ hoàn thành được chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa 33%.

1.2. Đánh gía chung về công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị:

- Qua 20 năm kể từ sau khi chia tách tỉnh, đến nay tỉnh Đắk Nông đã có bước phát triển đáng kể về Kinh tế, Xã hội, Quốc phòng an ninh... trong đó đặc biệt về Quy hoạch, phát triển đô thị. Từ một tỉnh chỉ có 06 đơn vị cấp huyện, chưa có đô thị loại IV, 3 trung tâm huyện chưa có đô thị loại V; đến nay tỉnh Đắk Nông đã có 9 đô thị. Trong đó, có 01 đô thị loại III (thành phố Gia Nghĩa); 03 đô thị loại IV (thị trấn Ea T’ling, thị trấn Đắk Mil và thị trấn Kiến Đức); 05 đô thị loại V (thị trấn Đắk Mâm; thị trấn Đức An; xã Nam Dong; xã Quảng Khê và xã Đắk Búk So). Song song với phát triển đô thị các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hình thành quy hoạch và phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh. Đồng thời, tỷ lệ đô thị hóa: từ năm 2004 từ 7%, đến năm 2014 đạt 15,22%, đến nay đạt 31%. Đến nay, hệ thống đô thị tỉnh Đắk Nông đã cơ bản hoàn thiện, quy hoạch đô thị đã đạt kết quả khả quan, có định hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cao và đáp ứng xu hướng phát triển đô thị xanh, thân thiện môi trường và là cơ sở để các cấp ủy, chính quyền địa phương định hướng trong công tác chỉ đạo, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng và kêu gọi các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển đô thị; Công tác lập quy hoạch đô thị, tập trung đầu tư xây dựng đô thị, nâng cấp, phân loại đô thị đạt kết quả cao; qua đó, đã tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động sáng tạo của chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác huy động nguồn lực, vận dụng chính sách, lồng ghép các chương trình để phát triển đô thị; công tác phân loại đô thị đã đạt kết quả theo lộ trình, tạo điều kiện cần thiết để thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính các đô thị theo quy định; nhận thức về quy hoạch, phát triển đô thị được đổi mới và từng bước hoàn thiện, làm thay đổi bộ mặt cảnh quan đô thị, thay đổi nhận thức và nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị, thu hút được các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, từng bước khẳng định vai trò động lực của đô thị trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần đảm bảo cho mục tiêu an sinh - xã hội và quốc phòng - an ninh, đời sống dân cư đô thị được cải thiện đáng kể.

- Công tác giải quyết đất ở đối với cán bộ công chức thuộc diện điều động đến công tác tại tỉnh Đăk Nông: Theo quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 12/11/2008 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết số 07/2008/NQ-HĐND ngày 25/7/2008 của HĐND tỉnh Đắk Nông thì tổng số CBCC thuộc diện điều động tỉnh cần hỗ trợ giao đất là 2.373 lô đất; trong đó khối lực lượng vũ trang là 1.380 người; khối cơ quan tỉnh là 754 người. Sở Xây dựng đã tham mưu, giải quyết được 433 trường hợp, số còn lại UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên Môi trường tiếp tục giải quyết, Đến nay chính sách hỗ trợ đất ở cho CBCCVC đã hoàn thành.

Qua 20 năm trung tâm đô thị của các huyện và thành phố Gia Nghĩa đều được đầu tư xây dựng khu dân cư để giải quyết về đất ở, đất tái định cư cho người dân bị giải tỏa, đặc biệt trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa có nhiều khu dân cư được hình thành từ năm 2005 đến nay, một số khu dân cư đã hoàn thành như: Khu đô thị mới Đăk Nia; khu đất ở cán bộ ngành Ngân hàng, 02 khu đất ở của Công an tỉnh; 02 khu đất ở của cán bộ chiến sỹ Biên phòng; khu tái định cư đồi Đăk Nur; khu dân cư số 3, 4 Sùng Đức; khu 23 ha; khu làng quân nhân, khu dân cư An Phương; khu dân cư Bờ Đông,.. Một số khu dân cư đang tiến hành xây dựng như: Khu tái định cư đồi Đăk Nur B; khu dân cư số 4 phường Nghĩa Tân và một số Khu đất ở tại trung tâm các huyện đều được đầu tư xây dựng như: Đăk Mil, Đăk Lấp, Cư Jút, Krông Nô, Đăk Song, Đăk Glong, Tuy Đức,.. Việc đầu tư xây dựng các khu dân cư trên đạt hơn 8.000 lô đất ở, đáp ứng cơ bản về nhu cầu đất ở tái định cư và đất cho cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh, ngoài ra trên địa bàn còn đang triển khai đầu tư dự án nhà ở xã hội,..

Hiện nay trên địa bàn các huyện, thành phố Gia Nghĩa đều có quy hoạch chung đô thị được duyệt. Quy hoạch chung đô thị được duyệt là cơ sở để quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, kêu gọi đầu tư xây dựng để phát triển đô thị và nông thôn, nhằm tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, nông thôn, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị. Trên cơ sở quy hoạch chung, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa triển khai lập các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Về quy hoạch nông thôn mới: Có 60/60 xã có quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới được phê duyệt.

2. Về Tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch:

Các đô thị trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung với công suất đáp ứng nhu cầu sử dụng nước: Thành phố Gia Nghĩa công suất thiết kế nhà máy 12.000 m3/ng.đêm; Thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk Rlấp công suất thiết kế nhà máy 1.000 m3/ng.đêm; Thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút công suất thiết kế nhà máy 2.000 m3/ng.đêm; Thị trấn Đức An, huyện Đắk Song công suất thiết kế nhà máy 500 m3/ng.đêm; Thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô công suất thiết kế nhà máy 1.000 m3/ng.đêm; Thị trấn Đắl Mil, huyện Đắk Mil công suất thiết kế nhà máy 2.500 m3/ng.đêm; Xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong công suất thiết kế nhà máy 700 m3/ng đêm.

- Giai đoạn 2004-2010: Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 60%. Chỉ tiêu cấp nước sạch đạt 60% với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 80 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định.

-  Giai đoạn 2011-2015: Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 94%. Chỉ tiêu cấp nước sạch đạt 94% với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 80 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định.

- Giai đoạn 2016-2020: Thực hiện Nghị Quyết số 22/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 về việc Thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020.

+ Năm 2017: Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 94%.

+ Năm 2018: Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 96%.

+ Năm 2019: Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 98%.

+ Năm 2020: Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 100%. với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 100 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định.

- Giai đoạn từ 2021 đến nay: Thực hiện Nghị Quyết số 110/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 về việc Thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025: Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt 100%. Chỉ tiêu cấp nước sạch đạt 100% với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định.

Đáng giá chung: Qua 20 năm kể từ sau khi chia tách tỉnh, đến nay Đắk Nông đã có bước phát triển đáng kể về hạ tầng kỹ thuật đô thị đáp ứng nhu cầu cho các đô thị và định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo, cụ thể: Từ một tỉnh chỉ có 06 đơn vị hành chính cấp huyện, chưa đô thị nào có cấp thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, vệ sinh môi trường, nghĩa trang và chiếu sáng, cây xanh trong đô thị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 07 nhà máy cấp nước cụ thể: Đăk Mil có công suất 2.500 m3/ngày, đêm; thành phố Gia Nghĩa có công suất 12.000 m3/ngày, đêm; thị trấn Ea T'Ling, huyện Cư Jút có công suất 2.000m3/ngày, đêm; thị trấn Đức An, huyện Đắk Song có công xuất 750m3/ngày, đêm; xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong có công xuất 700m3/ngày, đêm; thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô có công suất 1.000 m3/ngày, đêm. Đồng thời, tham mưu trình UBND tỉnh Thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn tỉnh Đăk Nông; Ban hành Kế hoạch cấp nước an toàn cho hệ thống cấp nước thành phố Gia Nghĩa giai đoạn 2017 – 2020… kết quả tỷ lệ các hộ dân thành thị sử dụng nước sạch đạt 100%; Đã đầu tư xây dựng hoàn thành 01 nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Gia Nghĩa với công xuất xử lý 600 m3/ngày, đêm; 01 nhà máy xử lý nước thải tại khu công nghiệp Tâm Thắng với công xuất xử lý 4600 m3/ngày, đêm. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 8/8 đơn vị hành chính có dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, phạm vi thu gom tập trung chủ yếu ở các đô thị và một số vùng lân cận, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đã đạt 100%; và tại trung tâm các huyện phát triển và quản lý nghĩa trang theo quy hoạch được duyệt.

3. Về bình quân m2 sàn xây dựng nhà ở tính trên một người dân

Tỉnh Đăk Nông được thành lập theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI trên cơ sở chia tách tỉnh Đăk Lăk cũ thành hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Tại thời điểm mới thành lập, chưa có số liệu về hiện trạng, cơ cấu nhà ở cũng như chưa xây dựng các chỉ tiêu về phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.

* Ngày 24/12/2007, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 14/2007/NQ-HĐND về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đăk Nông giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2020 tại kỳ họp thứ 9 khóa I. Theo đó, đặt ra chỉ tiêu phát triển nhà ở như sau:

- Đối với đô thị: đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người khoảng 12,5m2 sàn vào năm 2010, đến năm 2015 đạt 15m2 sàn/người và đến năm 2020 đạt 20m2 sàn/người.

- Đối với nhà ở nông thôn: đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người khoảng 12m2 sàn vào năm 2010.

* Kết quả đạt được: Theo điều tra đến cuối năm 2011 diện tích nhà ở bình quân trên đầu người là 17,11 m2/người. Trong đó, ở khu vực đô thị là 20,29 m2/người, ở khu vực nông thôn là 16,56 m2/người. Như vậy, diện tích nhà ở bình quân đầu người đã vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 14/2007/NQ-HĐND về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đăk Nông giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2020.

* Ngày 20/10/2012, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 42/2012/NQ-HĐND về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 tại kỳ họp thứ 5 khóa II. Theo đó, đặt ra chỉ tiêu phát triển nhà ở như sau:

- Phấn đấu đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20 m2/người, trong đó đô thị đạt 24 m2/người, nông thôn đạt 18,0 m2/người.

- Phấn đấu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 24 m2/người, trong đó đô thị đạt 29 m2/người và nông thôn đạt 22 m2/người (bằng chỉ tiêu trung bình của cả nước).

* Kết quả đạt được: Về diện tích và chất l­ượng nhà ở năm 2011 so với năm 2018: Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh tăng từ 17,1 m2/người lên 22,4 m2/người (tăng bình quân 0,76 m2/người/năm), trong đó khu vực đô thị là 26,4m2/người, khu vực nông thôn là 21,7m2/người. Diện tích, chất lượng nhà ở bình quân của tỉnh tăng đúng với kế hoạch đề ra, phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tuy nhiên, việc tăng diện tích, chất lượng nhà ở chủ yếu do người dân tự xây dựng, chưa có dự án phát triển nhà ở nào được triển khai.

* Ngày 20/10/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND về thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 tại kỳ họp thứ 8 khóa III. Theo đó, đặt ra chỉ tiêu phát triển nhà ở như sau:

- Đến năm 2020: Diện tích nhà ở bình quân của tỉnh Đắk Nông đạt 24 m2/người, trong đó: Khu vực đô thị diện tích nhà ở bình quân là 27,7 m2/người; khu vực nông thôn là 23 m2/người.

- Đến năm 2025: Phấn đấu diện tích nhà ở bình quân của tỉnh Đắk Nông đạt 27,2 m2/người, trong đó: Khu vực đô thị diện tích nhà ở bình quân là 30,5 m2/người; khu vực nông thôn là 25,4 m2/người.

- Đến năm 2030: Phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 30 m2 sàn/người (bằng chỉ tiêu nhà ở quốc gia), trong đó: Nhà ở đô thị bình quân đạt 32,3 m2 sàn/người; nhà ở nông thôn bình quân đạt 28,1 m2 sàn/người.

* Kết quả đạt được: Theo Nghị quyết số 56/2022/NQ-HĐND ngày 14/12/2022 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Chỉ tiêu bình quân m2 sàn xây dựng nhà ở tính trên một người dân là 25,5 m2 sàn/người. Qua rà soát đánh giá kết quả thực hiện đến tháng 9/2023, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 25,3m2 sàn/người. ước tính đến cuối năm 2023 toàn tỉnh sẽ đạt được chỉ tiêu đặt ra là 25,5 m2 sàn/người.

- Dự kiến: Năm 2024 tỷ lệ đạt 26,4 sàn/người; năm 2025 tỷ lệ đạt 27,2 sàn/người.

II. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Về Tỷ lệ đô thị hóa (từ năm 2004-2024):

1.1. Những tồn tại, hạn chế:

- Việc sử dụng công cụ quy hoạch và nguồn lực từ đất đai chưa tốt, hiệu quả còn thấp dẫn đến chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh nội tại để phát triển đô thị.

- Quá trình đô thị hóa chậm do nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, xuất phát điểm của các đô thị và thực tế phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi còn hạn chế. So với yêu cầu về tiêu chí phân loại đô thị, thì công tác đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị từ các nguồn lực bên ngoài thông qua các nguồn vốn ODA, ADB đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối (cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn sinh hoạt…) còn hạn chế.

- Công tác quản lý đô thị, bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều tồn tại, yếu kém.

- Cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế chưa tạo được động lực, tạo được việc làm để thu hút được nguồn lao động tại khu vực nông thôn đến làm việc và sinh sống ở đô thị.

- Việc kêu gọi, thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị còn nhiều  khó khăn do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Việc chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai còn chưa kịp thời, chưa dứt điểm.

- Vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải khắc phục trong công tác lập, thẩm định, quản lý thực hiện quy hoạch, kiến trúc đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt; tình trạng công trình xây dựng không có trong quy hoạch xây dựng, bố trí sai quy hoạch, đấu nối và bố trí hạ tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch; tình trạng xây dựng sai phép và không phép, đào đắp san nền, đổ rác xây dựng, lấn chiếm đất trái phép...vẫn diễn ra ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên, kiến trúc cảnh quan, trật tự đô thị.

- Tính liên kết trong từng tiểu vùng, giữa các vùng và vai trò động lực của các đô thị trung tâm tiểu vùng còn nhiều hạn chế.

1.2. Khó khăn, thách thức:

- Tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để đầu cơ trục lợi từ đất đai (mua đất nông nghiệp với diện tích lớn, chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, phân lô bán nền...) tạo ra những khu dân cư tự phát, rải rác ngoài quy hoạch, không có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu, gây áp lực về đầu tư hạ tầng cho ngân sách, gây mất trật tự xây dựng, an ninh trật tự trên địa bàn cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch

- Quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị: Do điều kiện đặc thù của địa phương về địa hình đồi dốc phức tạp làm tăng cao chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng; nếp sống văn minh đô thị còn hạn chế.

- Việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quy hoạch chi tiết đô thị ở một số địa phương chưa được chú trọng quan tâm, chưa xây dựng ban hành quy định quản lý phân rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan đối với các khu vực đặc trưng của đô thị cao nguyên như khu vực rừng cảnh quan trong đô thị, các khu vực nhạy cảm với môi trường mặt nước, không gian mở đô thị…

- Nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị còn hạn chế, chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Nhà nước; cơ sở hạ tầng đô thị chưa đồng bộ; việc thu hút các nguồn lực phát triển đô thị còn gặp nhiều khó khăn.

1.3. Bài học kinh nghiệm và những giải pháp, định hướng trong thời gian tới:

- Cần tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý xây dựng theo quy hoạch. Chỉ đạo công tác rà soát, đánh giá quy hoạch đô thị, nông thôn để có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình kinh tế xã hội của địa phương.

- Tập trung chỉ đạo việc xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch tạo thuận lợi cho việc kêu gọi các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị.

- Tập trung chỉ đạo công tác điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các đơn vị hành chính đô thị, nông thôn theo hướng tinh gọn, không tăng đơn vị hành chính, đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính theo quy định.

- Có giải pháp căn cơ, sử dụng tốt hơn công cụ quy hoạch, nguồn lực từ đất đai để phát triển đô thị bền vững, hiệu quả.

- Tiếp tục tăng cường đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án phát triển đô thị bằng các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình mục tiêu có liên quan, để tạo nguồn lực tổng hợp, cộng hưởng trong suốt quá trình phát triển đô thị.

- Thực hiện phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, đô thị thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Không đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển kinh tế.

2. Về Tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch; Về bình quân m2 sàn xây dựng nhà ở tính trên một người dân: Không.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI: (năm 2024 và những năm tiếp theo):

1. Về Tỷ lệ đô thị hóa: Dự kiến năm 2024 tỷ lệ đô thị hóa đạt 31%; đến năm 2025 sẽ hoàn thành được chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa 33%. Đồng thời thực hiện một số công việc như sau:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Đắk Nông.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa rà soát danh mục các đồ án quy hoạch chung xây dựng các đô thị cần điều chỉnh quy chỉnh quy hoạch. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong tỉnh: Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị phù hợp với Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đắk Nông.

- Tiếp tục triển khai thực hiện phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu và đô thị tăng trưởng xanh lồng ghép vào các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

- Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch tại các đô thị được nâng loại.

- Xây dựng chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh sau khi Quy hoạch tỉnh Đắk Nông được phê duyệt.

2. Về Tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch: Đạt tỷ lệ 100%.

3. Về Bình quân m2 sàn xây dựng nhà ở tính trên một người dân: Dự kiến: Năm 2024 tỷ lệ đạt 26,4 sàn/người; năm 2025 tỷ lệ đạt 27,2 sàn/người.

 

Phòng KT&QLHĐXD

Lượt xem:  136 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 2 1 2
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web