Chỉ thị về tăng cường công tác chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. (24/03/2020)
Ngày 23/3/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường công tác chất lượng công trình trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, để nâng cao chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: 

1. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, công nghệ xây dựng tiên tiến, vật liệu mới áp dụng trong thiết kế, thi công các công trình xây dựng cho các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao chất lượng trong công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, dự toán và kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng chuyên ngành.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất lượng và chất lượng công trình xây dựng của các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

- Kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng, vi phạm trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, vi phạm về điều kiện năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.

- Sở Xây dựng: Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức, chứng chỉ hành nghề của cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, rà soát lại công tác sát hạch, cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cấp Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; đăng tải thông tin về năng lực của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh trên Website của Sở Xây dựng theo quy định (kể cả các  vi phạm của tổ chức, cá nhân để các chủ đầu tư khác tham khảo trong quá trình lựa chọn nhà thầu tham gia hoạt động). Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu, giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu bố trí nguồn vốn kịp thời, đầy đủ cho các chủ đầu tư để hạn chế việc kéo dài tiến độ thi công gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình do nguyên nhân thiếu vốn.

- Xử lý hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ.

3. Sở Tài chính

- Kịp thời rà soát, tham mưu bố trí nguồn vốn để các để các đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì công trình theo đúng quy định.

- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra công tác thanh quyết toán công trình phát hiện hành vi vi phạm của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thì xử lý hoặc kiến nghị kịp thời để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

4. UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh

- Tăng cường phổ biến, hướng dẫn đến cấp xã, phường các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, bảo trì công trình, quy định này và các quy định liên quan.

- Kiện toàn năng lực Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để thực hiện vai trò làm chủ đầu tư và quản lý các dự án do UBND cấp huyện quyết định đầu tư, đồng thời ký kết hợp đồng quản lý dự án theo quy định.

- Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý chất lượng đối với các công trình xây dựng do mình quyết định đầu tư và cấp phép xây dựng; tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo phân cấp; báo cáo kịp thời, đầy đủ các nội dung theo yêu cầu quản lý chất lượng công trình xây dựng của Sở Xây dựng, các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND tỉnh. Tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng để thực hiện bảo trì công trình đối với nguồn vốn do cấp huyện quyết định.

- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn, trong khu công nghiệp khi được yêu cầu.

- Chỉ đạo phòng chuyên môn nâng cao chất lượng trong công tác thẩm định hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán xây dựng và kiểm tra công tác nghiệm thu theo phân cấp. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về công tác quản lý chất lượng, chất lượng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn, trong khu công nghiệp. Chủ tịch UBND cấp huyện, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật xây dựng và trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm về công tác quản lý chất lượng, chất lượng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn, trong khu công nghiệp và các vi phạm khác trong hoạt động xây dựng.

- Rà soát các công trình xây dựng đang thi công hoặc đã hoàn thành trên địa bàn, trong khu công nghiệp thuộc đối tượng công trình phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định tại Khoản 1, Điều 32, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; đồng thời, gắn nội dung này với công tác cấp Giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng để quản lý.

- Yêu cầu các chủ đầu tư không ký kết hợp đồng với các tổ chức tư vấn cung cấp chất lượng hồ sơ dự án, thiết kế không đảm bảo chất lượng mà trong quá trình phải trả lại chủ đầu tư nhiều lần.

5. Các chủ đầu tư xây dựng công trình

Tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng; lựa chọn hình thức quản lý dự án theo đúng quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ; không ngừng nâng cao năng lực, trách nhiệm trong tổ chức quản lý thực hiện dự án; chịu trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu, bảo hành công trình xây dựng; trong đó cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

- Về quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng công trình:

Tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ quy định về quản lý chất lượng công trình trong khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình; chịu trách nhiệm rà soát chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan chuyên ngành thẩm định, hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

- Về bảo hành công trình xây dựng:

+ Trong thời gian bảo hành công trình Chủ đầu tư hoặc chủ quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý khai thác, sử dụng công trình kiểm tra, phát hiện các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình (do lỗi của nhà thầu) để yêu cầu nhà thầu thi công khắc phục, sửa chữa triệt để.

+ Trước khi hết hạn thời gian bảo hành phải rà soát, kiểm tra lại toàn bộ công trình để xem xét cụ thể tình trạng, chất lượng công trình, nếu có khiếm khuyết, hư hỏng phải yêu cầu nhà thầu sửa chữa triệt để, mới xác nhận hoàn thành bảo hành công trình.

+ Chủ đầu tư đề xuất thời gian bảo hành công trình vào trong hồ sơ mời thầu; và quy định rõ trong hợp đồng thi công, trong đó thời gian bảo hành công trình không được ngắn hơn thời gian bảo hành tối thiểu được quy định tại Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 23/5/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc Ban hành Quy định bảo hành công trình xây dựng đối với các dự án xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do UBND các cấp quyết định đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Các công trình được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nghiệm thu kể từ ngày 05/6/2018 thì áp dụng thời gian bảo hành công trình theo Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 23/5/2018; đối với các công trình được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nghiệm thu nhưng tại thời điểm chấp thuận nghiệm thu vẫn còn một số khiếm khuyết về chất lượng cần phải khắc phục theo yêu cầu thì thời điểm tính thời gian bảo hành công trình kể từ khi nhà thầu thi công hoàn thành việc khắc phục và đã được tư vấn giám sát, chủ đầu tư nghiệm thu xác nhận.

- Về hợp đồng tư vấn, thi công xây dựng: Trong quá trình thương thảo, ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công phải đảm bảo chặt chẽ và phù hợp quy định, trong đó cần lưu ý các nôi dung về thưởng, phạt hợp đồng, cách thức, biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng phải đảm bảo hiệu quả và có tính khả thi, nâng cao trách nhiệm bồi thường.

6. Bảo trì công trình xây dựng trong giai đoạn sử dụng.

Tăng cường bảo trì công trình là biện pháp duy trì chất lượng công trình trong giai đoạn sử dụng, chủ quản lý sử dụng, chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn tham mưu đề xuất chủ trương, bố trí nguồn chịu trách nhiệm trước người quyết định đầu tư và quy định pháp luật đồng thời đảm nội dung, nguyên tắc như sau:

- Thực hiện bảo dưỡng công trình đúng theo kế hoạch bảo trì thường xuyên hằng năm và quy trình quản lý, vận hành, bảo trì công trình xây dựng được phê duyệt, đảm bảo các công việc duy trì: Vệ sinh công trình (hệ thống cống rãnh, mương, cửa thoát nước bên trong và bên ngoài, vệ sinh chống dột mái, sê nô,…; sửa chữa thay thế thiết bị điện, nước, phòng cháy chữa cháy, thiết bị an toàn (ổ khóa, móc gió, bản lề cửa,…), biển báo hư hỏng do quá trình sử dụng; trám vá lỗ thủng, ổ gà, phát quang, bù lề;…

- Hạn chế việc cải tạo công trình làm thay đổi so với hiện trạng công trình ban đầu, bao gồm các hoạt động làm thay đổi một hoặc một số bộ phận, chi tiết dẫn đến thay đổi về kiến trúc, công năng, quy mô công suất công trình về diện tích, chiều cao, số tầng hoặc lắp đặt bổ sung những bộ phận, thiết bị có tải trọng ảnh hưởng kết cấu công trình và nâng cấp công trình làm thay đổi quy mô công suất, tầm quan trọng hoặc quy mô kết cấu dẫn đến thay đổi cấp công trình so với cấp công trình thiết kế.

- Không lồng ghép việc bổ sung, xây mới hạng mục công trình vào công việc bảo trì công trình.

- Đảm bảo điều kiện bảo trì công trình theo quy định:

+ Công trình phải được phê duyệt quyết toán.

+ Đối với các công trình xây dựng Cấp II trở lên phải có quy trình bảo trì được phê duyệt theo quy định.

+ Thực tế bị hư hỏng xuống cấp và được Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đánh giá hoặc phòng chuyên môn quản lý xây dựng cấp huyện đánh giá xác nhận hiện trạng xuống cấp công trình đối với dự án sử dụng nguồn chi thường xuyên hoặc vốn ngân sách nhà nước (bao gồm các công trình ngành dọc); đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách thì do cơ quan chuyên môn về về xây dựng thuộc người quyết định đầu tư hoặc đề nghị Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đánh giá hoặc phòng chuyên môn quản lý xây dựng cấp huyện đánh giá và thống nhất việc đề xuất phương án sửa chữa.

+ Được người có thẩm quyền quyết định chủ trương và đảm bảo kinh phí được cấp theo quy định.

+ Đối với việc bảo trì công trình đường bộ tuân thủ quy định bảo trì theo Luật Giao thông đường bộ.

- Đảm bảo thời gian, thời hạn bảo trì công trình như sau:

+ Thời gian bảo trì công trình được xác định từ thời điểm xác nhận kết thúc bảo hành công trình theo quy định.

+ Hoàn thành việc bảo dưỡng thường xuyên hằng năm và theo quy trình quản lý, vận hành, bảo trì công trình xây dựng được phê duyệt.

+ Bảo trì công trình định kỳ đảm bảo thời hạn: Đối với các cấu kiện, bộ phận ngoài trời chịu tác động trực tiếp do mưa, nắng được sửa chữa và sơn lại 05 năm một lần; chống thấm sàn mái, sê nô thời hạn 05 năm một lần; đối với cấu kiện, bộ phận trong nhà được sơn sửa cục bộ các vị trí hư hỏng hoặc toàn bộ công trình với thời hạn tối đa 05 năm một lần do cơ quan chuyên môn về xây dựng đánh gía và đề xuất; thời hạn sửa chữa các cấu kiện, bộ phận khác do cơ quan chuyên môn về xây dựng đánh gía và đề xuất trong biên bản kiểm tra.

- Đảm bảo thời gian bảo hành công việc bảo trì công trình được chủ đầu tư và nhà thầu thi công thống nhất trong hợp đồng, thời gian đề xuất không ít hơn 12 tháng đối với công trình từ cấp III và không ít hơn 18 tháng đối với công trình từ cấp II trở lên.

- Việc bố trí kinh phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm đối với các loại công trình xây dựng chuyên ngành do Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP được xác định trên cơ sở định mức chi phí theo tỷ lệ phần trăm (%) như hướng dẫn tại Phụ lục Thông tư số 03/2017/TT-BXD ngày 16/3/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng, đồng thời phù hợp với công việc và mức độ hư hỏng, xuống cấp thực tế công trình. Đối với các loại công trình xây dựng chuyên ngành quy định tại Khoản 2 Điều 51 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP thì tùy theo tính chất, đặc điểm các loại hình công trình theo hướng dẫn các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cho phù hợp, trường hợp không có hướng dẫn thì vận dụng Thông tư số 03/2017/TT-BXD.

7. Tổ chức thực hiện

- Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các nội dung Chỉ thị này.

- UBND cấp huyện phổ biến Chỉ thị này đến cấp xã, phường và các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường giám sát cộng đồng theo quy định Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.

- Các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền để nhân dân tham gia giám sát chất lượng các công trình xây dựng đang thi công, phát hiện và phản ánh kịp thời các sai phạm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư xây dựng.

- Giao Sở Xây dựng, các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo các quy định hiện hành và nội dung của Chỉ thị này./.

 

Văn phòng Sở

Lượt xem:  617 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Liên kết web