Hướng dẫn trình tự thủ tục thực hiện và công tác quản lý loại hình lưu trú Homestay trên địa bàn tỉnh (07/06/2022)
Ngày 25/5/2022, Sở Xây dựng đã ban hành Công văn số 904/HD-SXD về hướng dẫn trình tự thủ tục thực hiện và công tác quản lý loại hình lưu trú Homestay trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2556/UBND-KT ngày 18/5/2022 về việc hướng dẫn trình tự thủ tục thực hiện và công tác quản lý, các loại hình lưu trú Homestay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Để tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong việc quản lý kinh doanh Homestay trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng hướng dẫn trình tự thủ tục và công tác quản lý loại hình lưu trú Homestay trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Quy định chung về kinh doanh dịch vụ Homestay:

 

1. Đối tượng áp dụng: Cơ quan quản lý nhà nước,  cá nhân, tổ chức kinh doanh Homestay, các hoạt động liên quan, khách du lịch sử dụng dịch vụ Homestay.

2. Giải thích từ ngữ:

 Theo khoản 6, Điều 48, Luật Du lịch nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (gọi tắt là Homestay) là nơi sinh sống của người sở hữu nhà hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu trú du lịch, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú.

3. Điều kiện chung kinh doanh Homestay theo Điều 49, Luật Du lịch năm 2017:

- Chủ kinh doanh Homestay có quyền sử dụng hợp pháp về đất đai và nhà ở; Chủ kinh doanh Homestay phải có hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú tại địa phương nơi đăng ký kinh doanh Homestay;

- Thực hiện đúng các quy định của nhà nước có liên quan về tổ chức hoạt động kinh doanh Homestay;

- Giấy đăng ký kinh doanh theo đúng ngành nghề đăng ký.

- Giấy Chứng nhận đủ điều kiện về An ninh trật tự;

- Giấy chứng nhận điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC);

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (nếu có kinh doanh về dịch vụ ăn uống);

II. Trình tự thủ tục thực hiện:

- Đối với cá nhân, hộ gia đình đã có phòng dự kiến cho thuê thì thực hiện các thủ tục nêu tại điểm 1, 2, 3, 4 khoản II văn bản này.

- Đối với cá nhân, hộ gia đình chưa xây dựng nhà ở hoặc sửa chữa cải tạo phòng dự kiến cho thuê thì thực hiện các thủ tục nêu tại điểm 6 (thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng) và xây dựng công trình trước khi thực hiện điểm 1, 2, 3, 4 khoản II văn bản này.

1. Thủ tục xin được cấp giấy đăng ký kinh doanh Homestay:

1.1 Trường hợp đối tượng cá nhân, hộ gia đình:


- Căn cứ khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:

+ Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

+ Văn bản uỷ quyền kèm giấy tờ pháp lý cá nhân đối với người nhận uỷ quyền thự hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.

 Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

 Hồ sơ nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chủ Homestay thực hiện hoạt động kinh doanh của mình.

1.2 Trường hợp đối tượng doanh nghiệp:

Hồ sơ thành lập bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty (doanh nghiệp tư nhân không cần văn bản này).

- Giấy tờ chứng thực cá nhân của thành viên công ty.

- Ngoài ra, với từng loại hình công ty thì sẽ có thể có thêm một số văn bản khác, như:

+ Danh sách thành viên (Công ty TNHH 2 TV trở lên)

+ Danh sách thành viên hợp danh (Công ty hợp danh)

+ Danh sách cổ đông (Công ty Cổ phần)

Hồ sơ nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trung tâm hành chính công tỉnh (Nếu Doanh nghiệp đã có giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề phù hợp thì không thực hiện thủ tục này).

2. Thủ tục đăng ký thuế cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:

- Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT hoặc hồ sơ khai thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

- Bảng kê cửa hàng, cửa hiệu phụ thuộc mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01 (nếu có).

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (nếu có).

- Bản sao thẻ căn cước công dân hoặc bản sao giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.

Hồ sơ nộp tại Chi Cục thuế địa phương.

3. Thủ tục Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC):

Văn bản thông báo về việc đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP NGÀY 24/11/2020 và phải có hồ sơ quản lý theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Cơ quan tiếp nhận: Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cứu nạn cứu hộ hoặc qua bưu điện.

4. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự:

- Căn cứ Điều 5, Thông tư số 33/2010/TT-BCA ngày 05/10/2010 của Bộ Công an quy định cụ thể điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thành phần hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

+ Nộp bản sao hợp lệ một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (theo quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp); Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (đối với chi nhánh doanh nghiệp); Giấy chứng nhận đăng ký thuế (đối với các tổ chức sự nghiệp có thu).

Các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của hộ kinh doanh phải có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định (khoản 2 Điều 49, khoản 1 Điều 51 Nghị định 43/2010/NĐ-CP).

+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 4 Thông tư này.

+ Bản khai lý lịch (có dán 01 ảnh 4x6mm) của người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (có chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp). Nếu là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phải có bản khai nhân sự (có dán 01 ảnh 4x6 mm), bản photocopy hộ chiếu, thẻ cư trú (xuất trình bản chính để đối chiếu).

- Trường hợp đề nghị cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì chỉ cần có văn bản đề nghị nêu rõ lý do và nộp bản sao hợp lệ tài liệu liên quan đến sự cần thiết phải cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Cơ quan tiếp nhận: Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan Công an huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.

5. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

(Áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh Homestay có dịch vụ ăn uống)

- Theo Điều 36 Luật An toàn thực phẩm, thành phần hồ sơ gồm:

Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).

+ Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở), bao gồm:

 Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh;

 Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.

+ Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm

+ Giấy xác nhận đủ sức khoẻ chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phiếu báo kết quả cấy phân âm tính mầm bệnh gây bệnh đường ruột (tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn) của người trực tiếp sản xuất thực phẩm đối với

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Cơ quan tiếp nhận: Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan Sở Y tế

6. Thủ tục xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ:

- Chủ đầu tư  xây dựng nhà ở mới có phòng cho thuê phải thực hiện các thủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện các thủ tục tại điểm 1, 2, 3, 4, 5 khoản II của hướng dẫn này.

- Chủ đầu tư chuẩn bị 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ mới (thành phần hồ sơ theo Điều 46 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng).

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại (Mẫu số 01 Phụ lục II) Nghị định này.

+ Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

+ 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng kèm theo Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy kèm theo bản vẽ thẩm duyệt trong trường hợp pháp luật về phòng cháy và chữa cháy có yêu cầu; báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng trong trường hợp pháp luật về xây dựng có yêu cầu, gồm:

 Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất kèm theo sơ đồ vị trí công trình;

 Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình;

 Bản vẽ mặt bằng móng và mặt cắt móng kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình gồm cấp nước, thoát nước, cấp điện;

 + Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

 - Chủ đầu tư chuẩn bị 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ (thành phần hồ sơ theo Điều 47 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng).

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ theo (Mẫu số 01 Phụ lục II) Nghị định này.

+ Một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ theo quy định của pháp luật.

+ Bản vẽ hiện trạng của các bộ phận công trình dự kiến sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (kích thước tối thiểu 10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.

+ Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo tương ứng với mỗi loại công trình theo quy định tại Điều 43 hoặc Điều 46 Nghị định này.

Hồ sơ nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Miễm cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

III. Điều kiện kinh doanh Homestay:

1. Điều kiện cơ sở vật chất:

 Theo Điều 27, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch.

- Có đèn chiếu sáng, nước sạch.

- Có khu vực sinh hoạt chung; có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh.

 - Có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

- Điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo theo TCVN 7800:2017 Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.

2. Người quản lý:

Người quản lý hoặc chủ hộ (sau đây gọi chung là người quản lý) phải qua lớp tập huấn về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Vệ sinh an toàn thực phẩm:

- Khu vực bếp phải thông thoáng và đảm bảo vệ sinh.

- Các trang thiết bị phục vụ phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh.

- Các khâu chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Nguyên vật liệu phải đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng.

4. An ninh an toàn, phòng chống cháy nổ:

- Phải có giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định.

- Hộ gia đình phải đáp ứng đầy đủ điều kiện an toàn về phòng chống cháy nổ theo quy định; phải niêm yết đầy đủ biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn, nội quy, quy định về phòng cháy chữa cháy; trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy và các trang thiết bị sơ, cấp cứu theo quy định.

5. Văn hóa xã hội, môi trường:

- Các thành viên trong kinh doanh Homestay phải am hiểu về giá trị văn hóa, tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa, tự nhiên tại địa phương.

- Đảm bảo vệ sinh môi trường trong khuôn viên nhà và các khu vực xung quanh.

- Khuyến khích việc sử dụng các nguyên liệu, vật dụng thân thiện với môi trường.

6. Khi đi vào hoạt động Homestay phải đảm bảo các điều kiện quy định:

Theo quy định tại Điều 49 của Luật Du lịch; Điều 27, Điều 29 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; khoản 10, 11 của Điều 5 của Nghị định 142/2018/NĐ-CP ngày 9/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể: Trước khi đi vào hoạt động chậm nhất 15 ngày, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch Homestay có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh với nội dung sau:

          - Tên, loại hình, quy mô cơ sở Homestay;

- Địa chỉ cơ sở lưu trú du lịch, thông tin về người đại diện theo pháp luật;

- Cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch Homestay như sau:

+ Có đăng ký kinh doanh;

+ Giấy Chứng nhận đủ điều kiện về An ninh trật tự;

+ Giấy Chứng nhận về phòng cháy chữa cháy;

+ Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (nếu đơn vị có kinh doanh ăn uống);

- Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch theo quy định gồm:

 Có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh;

 Có giường, đệm hoặc chiếu, có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

- Sau khi kiểm tra đủ điều kiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản thông báo kết quả kiểm tra điều kiện tối thiếu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.

 IV. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh Homestay:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh (Theo Điều 53, Luật Du lịch năm 2017):

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền:

+ Được nhà nước bảo hộ hoạt động kinh doanh Homestay theo quy định.

+ Tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch; được đưa vào danh mục quảng bá chung của ngành du lịch.

+ Tham gia hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp về du lịch trong và ngoài nước.

+ Từ chối phục vụ đối với khách du lịch có hành vi không chấp hành nội quy và các quy định quản lý có liên quan; làm mất trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người kinh doanh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người khác.

+ Liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ trên các lĩnh vực xây dựng sản phẩm, quảng bá tiếp thị hình ảnh sản phẩm, phát triển mở rộng thị trường khách, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, quản lý điều hành cơ sở hoạt động đạt hiệu quả.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm:

+ Kinh doanh dịch vụ theo đúng nội dung trong giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh đối với ngành, nghề cần có giấy phép.

+ Thông báo với cơ quan chức năng về thời điểm bắt đầu kinh doanh hoặc khi có thay đổi nội dung trong giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch.

+ Thông tin rõ ràng, công khai, trung thực chất lượng, giá cả các dịch vụ, hàng hóa cung cấp cho khách du lịch; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với khách du lịch; bồi thường thiệt hại cho khách du lịch do lỗi của mình gây ra.

+ Áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; cảnh báo các nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra cho khách du lịch về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và đề nghị khách chấp hành các quy định trước khi thực hiện các trải nghiệm; thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi có tai nạn xảy ra.

+ Chấp hành các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh như: thực hiện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú, thông tin báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc hoạt động và chịu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan liên quan về bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả, thuế, quản lý khách du lịch…

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh Homestay có trách nhiệm thông báo cho khách về phong tục, tập quán địa phương và các hành vi ứng xử phù hợp; các quy định đảm bảo an toàn trước khi thực hiện các hoạt động trải nghiệm;

+ Ngoài dịch vụ lưu trú và ăn uống, các chủ Homestay có trách nhiệm tổ chức và phối hợp liên kết tổ chức các hoạt động giúp du khách trải nghiệm đời sống sinh hoạt, phong tục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn du khách tham quan các tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, khuyến khích các hoạt động có tính tương tác giữa cộng đồng địa phương và du khách.

2. Khách du lịch (Theo Chương II, Luật Du lịch năm 2017):

- Khách du lịch có quyền:

+ Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch cung cấp thông tin cần thiết về dịch vụ Homestay.

+ Được hưởng đầy đủ các dịch vụ theo thỏa thuận giữa khách du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh Homestay; được hưởng bảo hiểm du lịch và các loại bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật.

+ Được đối xử bình đẳng; được yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh Homestay thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe tài sản khi sử dụng các dịch vụ; được cứu trợ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.

+ Được bồi thường thiệt hại do lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh Homestay gây ra theo quy định của pháp luật.

- Khách du lịch có trách nhiệm:

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tôn trọng và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, môi trường tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục tại nơi đến tham quan.

+ Thực hiện nội quy, quy định của Homestay.

+ Thanh toán tiền dịch vụ theo thỏa thuận và các khoản phí, lệ phí theo quy định.

+ Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho tổ chức, cá nhân kinh doanh Homestay theo quy định của pháp luật.

V. Các cơ quan quản lý nhà nước:

1. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch:

Phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch Homestay trên địa bàn tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với các ngành có liên quan và UBND cấp huyện hướng dẫn các Tổ chức, cá nhân kinh doanh Homestay về thủ tục cấp giấy phép kinh doanh đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và các quy định khác có liên quan.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Phối hợp với UBND cấp huyện hướng dẫn thủ tục các tổ chức, cá nhân kinh doanh Homestay về lĩnh vực đất đai, môi trường đúng theo quy định.

4. Sở Xây dựng:

Phối hợp với UBND cấp huyện hướng dẫn thủ tục các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ Homestay về lĩnh vực xây dựng.

5. Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương:

 Phối hợp, thực hiện quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh Homestay theo quy định của pháp luật.

6. Công an tỉnh:

Chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương các cơ sở kinh doanh Homestay thực hiện đăng ký tạm trú, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ theo quy định.

7. Cục thuế tỉnh: Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch Homestay trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản có liên quan pháp luật về thuế.

8. UBND các huyện, thành phố:

- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh Homestay tại địa phương. Hướng dẫn thủ tục đầu tư, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng nhà ở; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Homestay thuộc thẩm quyền đảm bảo đúng theo quy định.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh Homestay thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng về lĩnh vực du lịch theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư căn cứ hướng dẫn này và các văn bản pháp luật có liên quan để thực hiện và quản lý loại hình lưu trú Homestay trên địa bàn tỉnh theo quy định.

 

 

 

 

Phòng QHKT&PTĐT

Lượt xem:  252 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 3 1 2 3
 Go To 
 
Xem theo ngày :
Liên kết web