Mục tiêu của đề án là hoàn thành số hóa ngành theo từng lĩnh vực, hình thành dữ liệu lớn ngành Xây dựng; khai thác hiệu quả dữ liệu ngành phục vụ công tác báo cáo thống kê, dự báo, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển ngành Xây dựng; quản lý, chỉ đạo điều hành dựa trên nền tảng công nghệ số, dữ liệu số được kết nối, liên thông từ trung ương đến địa phương. Từng bước hiện đại hóa hành chính, minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành Xây dựng.
Mục tiêu giai đoạn 2024-2025
- Hoàn thành xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, đảm bảo sẵn sàng đưa vào hoạt động khai thác từ 01/01/2026 theo Nghị định số 111/2024/NĐ-CP ngày 06/09/2024 của Chính phủ.
- Hoàn thành nâng cấp hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 94/2024/NĐ-CP kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Hoàn thành xây dựng nền tảng mô hình thông tin công trình (BIM) trong quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý việc xây dựng theo quy hoạch và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên toàn quốc.
- Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam.
- Hoàn thành nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng; nâng cấp hệ thống dịch vụ công cấp phép xây dựng trực tuyến toàn quốc.
- Xây dựng nền tảng quản trị số tập trung ngành Xây dựng.
Mục tiêu giai đoạn 2026-2030
Về hoàn thiện thể chế: Hoàn thiện, cập nhật, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo đầy đủ các điều kiện về mặt thể chế triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Xây dựng.
Về phát triển hạ tầng số: Đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, hạ tầng, thiết bị, đường truyền để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hành chính của Bộ Xây dựng; phục vụ người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia giải quyết thủ tục hành chính; 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng có quy mô triển khai từ trung ương đến địa phương được dịch chuyển toàn bộ lên môi trường điện toán đám mây tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Về phát triển các ứng dụng, dịch vụ số:
- Ứng dụng phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kết nối, tích hợp, sử dụng dữ liệu dùng chung được chia sẻ bởi Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Trung tâm dữ liệu quốc gia để cắt giảm giấy tờ, đơn giản hóa thủ tục hành chính; 100% văn bản trao đổi giữa Bộ, các đơn vị trong Bộ và các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật; 90% hồ sơ công việc tại Bộ Xây dựng được xử lý trên môi trường điện tử (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật của nhà nước); 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% các chỉ tiêu báo cáo phục vụ công tác quản lý ngành Xây dựng được thu thập, tổng hợp, quản lý thông qua Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Xây dựng kết nối, liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ…
- Ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp: 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc lĩnh vực Xây dựng được giải quyết hoàn toàn trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng và hệ thống một cửa điện tử của địa phương; Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; …
Về phát triển dữ liệu số:
- Hình thành và phát triển kiến trúc dữ liệu ngành Xây dựng, lấy cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng làm trung tâm phục vụ công tác quản lý nhà nước xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương.
- 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành lĩnh vực Xây dựng phải được chuẩn hoá đảm bảo tính “đúng - đủ - sạch - sống” của dữ liệu, đảm bảo khả năng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.
- Cổng dữ liệu mở Bộ Xây dựng được duy trì, vận hành thông suốt phục vụ cung cấp dữ liệu mở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác dữ liệu theo quy định.
- Khai thác hiệu quả dữ liệu đã tạo lập và tạo ra những giá trị mới của dữ liệu ngành Xây dựng thông qua Kho dữ liệu dùng chung toàn ngành và các công cụ phân tích dữ liệu lớn.
- Đưa vào hoạt động, khai thác sử dụng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng trên toàn quốc kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
Về phát triển các nền tảng số:
- Ứng dụng nền tảng thông tin công trình BIM trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực xây dựng: Tập trung phục vụ công tác quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; kết nối với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ và địa phương để hỗ trợ công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, xử lý thủ tục hành chính toàn trình.
- Ứng dụng nền tảng GIS trong các ứng dụng nghiệp vụ chuyên ngành của các đơn vị trong Bộ và các Sở Xây dựng địa phương.
- Kế thừa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã triển khai tại Bộ Xây dựng để xây dựng nền tảng tích hợp, quản lý, cộng tác và chia sẻ dữ liệu ngành Xây dựng trên toàn quốc, đảm bảo không trùng lặp dữ liệu, kết nối thông suốt, khai thác hiệu quả kho dữ liệu dùng chung ngành Xây dựng thông qua các công nghệ mới (AI, big data …), phục vụ công tác dự báo, phân tích ngành.
- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới như AI, Callbot, Chatbot, …, xây dựng và triển khai nền tảng trợ lý ảo nhằm nâng cao năng lực phục vụ của cơ quan quản lý và trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp.
Về an toàn thông tin, an ninh mạng: 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng được phê duyệt hồ sơ cấp độ và triển khai đầy đủ các giải pháp, phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ được phê duyệt.
Về tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số: 100% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức, kỹ năng số cơ bản về an toàn thông tin, chuyển đổi số, kỹ năng quản lý nghiệp vụ trên nền tảng số; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và sử dụng các nền tảng số dùng chung ngành Xây dựng.
Đề án Chuyển đổi số ngành Xây dựng gồm các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Về hoàn thiện thể chế gồm các nhiệm vụ:
Xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị.
Xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Cấp, Thoát nước.
Xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về các nội dung liên quan thông tin quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng và mã số thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
Xây dựng và trình ban hành Nghị định thay thế Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về BIM áp dụng trong công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng.
Duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng.
Phát triển Hạ tầng số gồm các nhiệm vụ:
Đầu tư xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, an toàn, có khả năng dự phòng và thích ứng với các thay đổi trong tương lai, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số; nâng cao năng lực, hiệu quả kết nối, chia sẻ, xử lý dữ liệu và cung cấp dịch vụ trên môi trường số của ngành Xây dựng.
Đầu tư nâng cấp Trung tâm dữ liệu Bộ Xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây để đảm bảo tính linh hoạt, sẵn sàng khi mở rộng hệ thống và tăng cường hiệu suất, an toàn trong quản lý, vận hành, khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ hoạt động chuyển đổi số; sẵn sàng kết nối, tích hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Triển khai ảo hóa hạ tầng máy chủ vật lý theo mô hình quản lý tập trung để tối ưu tài nguyên và hiệu năng sử dụng.
Đầu tư, bổ sung thiết bị công nghệ thông tin tại các đơn vị thuộc Bộ phục vụ hoạt động chuyển đổi số đáp ứng hiệu năng xử lý dữ liệu, công việc trên môi trường số; nâng cao chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) của Bộ Xây dựng.
Phát triển dữ liệu số gồm các nhiệm vụ:
Xây dựng và triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
Xây dựng và triển khai cổng dữ liệu mở Bộ Xây dựng.
Nâng cấp Cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam tích hợp với hệ thống thông tin địa lý GIS, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác có liên quan phục vụ tra cứu thông tin, giải quyết thủ tục hành chính ngành Xây dựng.
Xây dựng hệ thống thông tin về nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng; dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng; chất lượng sản phẩm hàng hoá vật liệu xây dựng; xử lý, sử dụng chất thải trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Nâng cấp hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 94/2024/NĐ-CP kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu chứng chỉ hành nghề kiến trúc tập trung, thống nhất trên phạm vi toàn quốc có kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch, làm giàu dữ liệu.
Nâng cấp Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý an toàn kỹ thuật trong thi công xây dựng.
Nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Nâng cấp các cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ ngành Xây dựng, bao gồm: cơ sở dữ liệu quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ; cơ sở dữ liệu phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (LAS-XD); cơ sở dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn; cơ sở dữ liệu về các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng.
Nâng cấp Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về giám định tư pháp xây dựng.
Nâng cấp Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong xây dựng.
Phát triển nền tảng số gồm các nhiệm vụ:
Xây dựng và triển khai nền tảng mô hình thông tin công trình BIM trong quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý việc xây dựng theo quy hoạch và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên toàn quốc, phục vụ công tác quản lý thông tin công trình, thông tin quy hoạch tại Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc trên toàn quốc; phục vụ nhu cầu tra cứu, khai thác của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Ứng dụng nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS trên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam.
Xây dựng nền tảng quản trị số tập trung toàn ngành Xây dựng.
Nghiên cứu, ứng dụng triển khai nền tảng trợ lý ảo phục vụ công tác quản lý nhà nước cơ quan Bộ Xây dựng.
Nghiên cứu, ứng dụng triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu ngành Xây dựng.
Phát triển các ứng dụng số gồm các nhiệm vụ: Phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bảo đảm an toàn thông tin mạng gồm các nhiệm vụ: Hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng; Đầu tư xây dựng Hệ thống an toàn thông tin mạng trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ tại Bộ Xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ Xây dựng; Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng, ngành Xây dựng theo quy định.