Tại điểm cầu Chính phủ, đồng chủ trì có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Lê Minh Khái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Tham dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Đắk Nông.
Theo báo cáo tại Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, mục tiêu là triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng đã có những giải pháp cụ thể nhằm triển khai nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương mình. Cụ thể: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 03 Luật (Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, Luật Đấu thầu có hiệu lực từ 01/01/2024); đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính được giao tại 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; đã có 62/63 địa phương ban hành Nghị quyết của HĐND miễn giảm phí, lệ phí; tính đến hết tháng 4 năm 2024, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% tổng số 6.287 thủ tục hành chính); Bộ Công an, đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản...
Bên cạnh đó, tại Hội nghị Cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 cũng nêu các tồn tại, hạn chế việc triển khai Đề án 06, theo 06 nhóm vấn đề: về pháp lý; về dịch vụ công trực tuyến; về hạ tầng công nghệ; về Dữ liệu; về An ninh, an toàn bảo mật; về Nguồn lực triển khai.
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra đến năm 2025 nói chung và triển khai hiệu quả Đề án 06 nói riêng, Cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 đã đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đồng chí Chủ tịch UBND 63 địa phương cần quan tâm, thực hiện để tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nhân lực, kinh phí, trong đó, trọng tâm là:
Bộ Tài chính tập trung hoàn thành 02 Nghị định, 01 Thông tư: Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản: mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban thường vụ quốc hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành 02 Nghị định: Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, bảo đảm thống nhất triển khai thực hiện, phục vụ Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ 01/7/2024; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Các bộ, ngành hoàn thiện tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với những TTHC được quy định tại Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 và Quyết định 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024...
Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án 06 trong thời gian qua. Đồng thời đồng chí đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nguồn lực xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn” của Đề án 06 đã được chỉ ra tại Báo cáo; đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung dữ liệu của hệ thống thông tin do bộ, ngành quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…