Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra (09/08/2019)
Ngày 08/8/2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành công văn số3790/UBND-KTN gửi các Sở, ban ngành; UBND các huyện thị xã về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Cụ thể: Thời gian qua do ảnh hưởng cơn Bão số 3, đã gây mưa to liên tục, lốc xoáy trên địa bàn tỉnh, gây ngập úng cục bộ, sạt lỡ đất, sập nhà ở một số khu vực như xã Cư Knia, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, xã Đắk Sin, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp..., thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân... Để chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ, ngập lụt, lốc xoáy, sạt lở đất và các tình huống bất thường khác. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ như sau:

1. Các Sở, Ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các địa phương sẵn sàng, chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lũ trên địa bàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”; tập trung mọi nguồn lực giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lũ gây ra, ổn định đời sống và sản xuất.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các đơn vị có liên quan:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thường xuyên cập nhật thông tin trên trang Website: kttvdaknong.com.vn; thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất, rà soát các điểm hạ lưu hồ đập có nguy cơ ngập lụt để thông báo kịp thời chủ động ứng phó; đặc biệt là các vùng ngập lụt, bị cô lập hoàn toàn.

-  Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên tổng hợp báo cáo nhanh tình hình thiệt hại cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT để tổng hợp, chỉ đạo.

- Thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng tại các vùng bị ngập lụt, không để dịch bệnh cho gia súc bùng phát.

- Huy động lực lượng, phương tiện khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương nội đồng để tiêu thoát lũ; khắc phục sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản vùng bị ngập lụt.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã kiểm tra, xác định cụ thể mức độ thiệt hại; tổng hợp, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh xử lý, hỗ trợ theo quy định.

- Cập nhật, báo cáo thường xuyên cho UBND tỉnh về tình hình mưa lũ, lốc xoáy, ngập lụt gây thiệt hại cho người dân.

3. Tình hình Đập thủy điện Đắk Kar, huyện Đắk R’lấp có nguy cơ vỡ đập. Do đó, yêu cầu UBND huyện Đắk R’lấp thông báo ngay cho các hộ dân vùng hạ lưu khẩn trương sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

- Yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Đắk Kar tổ chức trực ban 24/24h, thông báo ngay cho các hộ dân vùng hạ lưu khẩn trương sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân; đồng thời, có phương án vận hành đập, xả lũ an toàn, tránh vỡ đập.

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tăng cường lực lượng tổ chức trực 24/24h trong thời gian mưa lũ; đồng thời có giải pháp ứng cứu, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân.

4. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bố trí lực lượng để hỗ trợ nhân dân vùng ngập lụt, khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra; giúp các hộ dân dọn dẹp nhà ở, vệ sinh môi trường.

5. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông khẩn trương rà soát, kiểm tra; huy động lực lượng, phương tiện thi công khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra; bảo đảm tưới tiêu, cấp nước cho người dân sản xuất.

6. Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, hóa chất khử trùng… để kịp thời hỗ trợ nhân dân tại các vùng bị ngập lũ; không để dịch bệnh bùng phát.

7. Giao Sở Công thương thông báo cho các Công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh tuân thủ việc vận hành hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có kế hoạch vận hành điều tiết xả lũ; thông báo cho các địa phương vùng hạ du có biện pháp phòng, tránh lũ.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo kịp thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục có phương án đảm bảo an toàn các công trình trường, lớp học; kiểm tra cất giữ, bảo quản toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học để tránh mất mát, hư hỏng.

9. Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về mưa, lũ, xả lũ các hồ chứa để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng chống.

10. UBND các huyện, thị xã

- Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực bị ngập lụt, chia cắt tổ chức sơ tán dân ở những vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông, lưới điện, hệ thống thông tin, liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

- Rà soát các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra khu dân cư ở ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.

- Triển khai lực lượng cảnh báo, canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt để đảm bảo an toàn cho người dân; sẵn sàng lực lượng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

- Tập trung lực lượng tại địa phương giúp các hộ dân dọn dẹp nhà ở, vệ sinh môi trường, tránh để dịch bệnh xảy ra, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng bị ngập lụt; thực hiện việc thống kê thiệt hại thường xuyên do mưa lũ gây ra trên địa bàn, gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý việc hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại theo quy định. Trong trường hợp có thiệt hại về người, tài sản do mưa lũ, lốc xoáy gây ra thì Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Văn phòng Sở

Lượt xem:  239 Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Liên kết web