Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch số 561/KH-UBND ngày 29/9/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về phân công theo dõi, cải thiện, nâng cao Chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông năm 2022 và các năm tiếp theo; tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:
1. Về Nhận thức số: Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tiếp tục duy trì các chuyên trang, chuyên mục riêng về chuyển đổi số và bảo đảm tần suất phát sóng.
2. Về Thể chế số: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về các nhiệm vụ chi cho chuyển đổi số của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ tham mưu chính sách thuê chuyên gia đối với những vị trí công chức, viên chức chưa đáp ứng.
3. Về Hạ tầng số: Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các nền tảng dùng chung của tỉnh theo khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế; Tham mưu nâng cấp, bổ sung Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh bảo đảm cho việc kết nối với hệ thống điện toán đám mây của Chính phủ. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tăng cường triển khai cáp quang đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp đến từng hộ gia đình. UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng (địa điểm, điện lưới,…) để các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng các vùng lõm, đưa cáp quang tới các thôn, bon,... đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình.
4. Về Nhân lực số: Các cơ quan, đơn vị, địa phương cử cán bộ, công chức, viên chức, Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về chuyển đổi số do tỉnh tổ chức, đồng thời hàng năm chủ động tổ chức các buổi tập huấn tại đơn vị, địa phương ngoài các chương trình chung của tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 450/KH-UBND ngày 04/8/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đảm bảo tỷ lệ theo chương trình chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025. Sở Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông thực hiện chuyển đổi số theo Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đảm bảo tỷ lệ theo chương trình chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025.
5. Về An toàn thông tin mạng (ATTT): Các Sở, ban, ngành, địa phương chủ động triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ cho 100% hệ thống thông tin đang vận hành trước ngày 31/12/2023; có phân công cụ thể công chức, viên chức triển khai an toàn thông tin tại đơn vị.
6. Về hoạt động Chính quyền số: Sở Thông tin và Truyền thông triển khai đầy đủ và hiệu quả việc liên thông các dịch vụ dữ liệu từ LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ của tỉnh) qua NDXP (nền tảng tích hợp, chia sẻ nền tảng dữ liệu quốc gia) để khai thác, kế thừa dữ liệu từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; chủ trì nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định; xây dựng cổng dữ liệu mở tỉnh Đắk Nông. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác dữ liệu hiệu quả từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp. Các Sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Chú trọng việc giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.
7. Về hoạt động Kinh tế số: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tham mưu UBND tỉnh triển khai Kế hoạch phát triển doanh nghiệp số theo Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 8/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030. Bưu điện tỉnh, chi nhánh bưu chính Viettel Đắk Nông có giải pháp thúc đẩy nhanh việc giao dịch trên sàn thương mại điện tử vỏ sò và Postmart, nhằm tăng tỷ lệ các giao dịch trên các sàn thương mại điện tử vỏ sò và Postmart.
8. Về hoạt động Xã hội số
Sở Thông tin và Truyền thông:
+ Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương thúc đẩy tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ năng số cho người dân thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng ở cấp xã và ở thôn, bon,...
+ Tăng cường các giải pháp tạo sự thuận lợi cho người dân tham gia giải quyết các vấn đề bất cập của địa phương trên nền tảng số, không gian mạng.
- Các Sở, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân trên địa bàn tỉnh cài đặt và tương tác với chính quyền qua ứng dụng dành cho người dân và doanh nghiệp (DakNong C). Đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề góp ý, thắc mắc của người dân đảm bảo chất lượng, kịp thời, tạo niềm tin cho người dân tham gia xây dựng chính quyền và giải quyết các vấn đề của địa phương.
- Các địa phương giao nhiệm vụ cho Tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử, sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản,...
- Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, hướng dẫn về ngân sách chi cho xã hội số. Đồng thời, chủ động theo dõi, thu thập tài liệu kiểm chứng cho chỉ số ngân sách chi cho các hoạt động xã hội số.